Tin tức

Bài dự thi "MÙA XUÂN TRỌN VẸN" - Số 2


Mùa xuân trọn vẹn
 

     Lại sắp đến Tết, lại một năm nữa ăn tết xa quê hương. Quay đi quay lại đã gần 20 năm tôi không được nếm cái mùi vị Tết se lạnh của quê nhà. Nhớ đến quê mình tôi nhớ đến lạnh giá buốt đặc trưng của miền Bắc, nhớ đến buổi chiều tà với mùi khói lam chiều ở góc vườn nhà nội tôi, nhớ đến câu hát giao duyên rằng “ Người ơi ngươi ở đừng về…”..Đấy là quê tôi, nơi tôi sinh ra và e ấp cho tôi 1 tuổi thơ đẹp. đó ở làng quê của vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh. Và nơi đây cũng là nơi cất giữ những mùa xuân kỷ niệm đầu đời của tôi.
 

     Do hoàn cảnh gia đình, bố tôi là một sỹ quan quân đội phải công tác và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ngày được nghỉ phép bố tranh thủ đón mẹ con tôi vào miền Nam để sinh sống. Ngày đó tôi còn quá nhỏ, ông bà nội thương tôi còn bé vào miền Nam rồi sợ cuộc sống vất vả làm tội cháu mình , nên ông bà quyết định giữ tôi ở lại. Kể từ ngày đó , một bước tôi cũng theo ông, 2 bước tôi cũng đeo bám theo ông, không chịu rời ông nửa bước. Dần già tôi trở thành cái đuôi rắc rối quấn bên ông cả ngày. Chính vì theo ông mà tôi biết được rất nhiều thứ trong thế giới rộng lớn xung quanh mình, được đi nhiều và biết nhiều ngóc ngách của cái làng nhỏ bé của mình. Thích nhất là được theo chân ông bà ra phiên chợ của làng.

     Ở làng quê không phải ngày nào cũng họp chợ như ở trong miền Nam. Ở làng tôi có phong tục truyền thống xưa nay chỉ mở phiên chợ vào những ngày chẵn âm lịch. Không rộng lớn như chợ trong miền Nam, phiên chợ làng đa số chỉ là hàng cây nhà lá vườn, nhà ai có gì thì mang ra bán cái đó. Nhưng nhìn vậy thôi cái gì cũng có đấy nhé. Đông vui nhất vẫn là  phiên chợ gần ngày Tết. Sáng sớm tôi theo chân bà ra chợ sớm để dọn hàng và đón vía mở hàng cho bà. Nói là dọn hàng nhưng thật ra chỉ có vài nải chuối xanh và mấy ổ trứng gà nhà nuôi được. Sáng đấy ông tranh thủ ra vườn có vài buồng chuối gần chín, nhà chẳng ai ăn cho hết nên ông chặt xuống để hai bà cháu đi bán cho vui. Nhờ thế mà tôi mới có dịp tham gia vào phiên chợ Tết ở quê mình. Hình ảnh người bán vội vội vàng vàng với đôi quang gánh trên vai tất tưởi ra chợ cho sớm để kịp bày hàng, có người đi thì ung dung đi khoanh tay hơi co dúm vì lạnh, người hai tay đút vào túi quần miệng rít kêu lạnh. Có cả những cụ già tám, chín mươi tuổi lưng cong tay chắp sau lưng lom khom bước ra chợ. Dù chẳng mua gì , đôi khi chỉ mua vài miếng trầu cay nhưng tôi cảm giác được đi ra chợ hàng ngày như một thói quen từ xa xưa của các cụ và là niềm vui khi tuổi về già. Thấy ai nấy cũng vui vẻ, hớn hở chào chào nói nói làm cho cả phiên chợ nhỏ của một làng quê nông thôn thật rộn ràng. Sắm sửa , bày biện đủ thứ  vào ngày Tết như ăn vào tư tưởng của người Việt Nam nói chung và người nhà quê như chúng tôi nói riêng, như nội tôi vẫn thường nói: “ Ôi dào!.. một năm mới có dịp một lần sắm sửa, cả năm làm ăn vất vả, ki cóp , tiết kiệm từng đồng rồi, cái tết cũng phải bày biện ra cho nó đoàng hoàng. Tết nhất phải xông xênh thì cả năm mới được dư giả”. Thế đấy, đi đến đâu, đến hàng quán nào các bà, các chị cũng hỏi nhau những câu “ Thế nay nhà bác đã sắm gì chưa?”, “ Năm nay có định ăn Tết to không đấy?”, hay gặp nhà nào khá giả có con cháu ở xa về là hỏi ngay “ Thế nay cả nhà chúng nó về hết chứ?, thế thì nhà bác năm nay ăn Tết to nhất làng còn gỉ!”…. Nhưng sắm gì thì sắm, ngày Tết trong nhà phải có câu đối đỏ. Rất may mắn cho tôi vỉ nền văn hóa truyền thống ấy vẫn còn được thực hiện và duy trì ngay trong gia đình tôi. Ông tôi vốn là một nhà nho, một thầy giáo trường làng trong thơì kháng chiến chống Pháp. Tuy không được đầy đủ thủ tục về hình thức như mặc áo dài, đội khăn xếp ngồi viết ở đình, ở chùa. Ông tôi chỉ ngồi ở nhà, khi nào bà con hàng xóm ai đến xin chữ thì ông lại viết cho. Có khi tôi thấy có cả những bác qua xin bài thơ, bài cúng dùng để  đọc khi cúng tổ tiên vào ngày Tết. Ba ngày tết và đêm giao thừa, nhoáng một cái bốn bài thơ ông đã viết xong. Đọc khó hiểu với một đứa trẻ đang tập đánh vần như tôi vì gần như là thơ chữ Nôm, nhưng tôi hiểu sâu xa đó là những tấm lòng của con cháu muốn gửi tới ông bà tổ tiên của mình với tất cả lòng thành kính và biết ơn…

     Ở quê nghèo thời đấy, trẻ con không được như các bạn ở thành phố bây giờ, thời của tôi cũng vừa thoát khỏi chế độ bao cấp được vài năm, cuộc sống còn nhiều cơ cực , thiếu thốn đủ thứ. Tết làm gì có quần áo mới, mà có thì chắc tụi nhỏ đi khoe cả xóm. Mà có áo đẹp cũng chẳng ai nhìn thấy vì bên ngoài mặc cả một lớp áo khoác cũ dày chống lạnh. Có đứa nhà không có điều kiện mua áo khoác thì phải mặc chồng chất bốn đến năm lớp áo quần thường ngày để cho đỡ lạnh. Còn tôi phần vì ông bà thương hại tôi còn nhỏ mà phải sống xa bố mẹ, sợ tôi tủi thân, Tết năm ấy ông bà dành dụm ít tiền bán trứng mua hẳn cho tôi một chiếc áo bông màu hồng , trên áo toàn hình hoa hồng, loài hoa mà tôi thích nhất và một đôi hài màu đỏ. Tôi còn nhớ ngày ông mua về tôi sướng quá cứ bắt phải mặc ngay, không cho giặt chẳng qua tôi sợ giặt sẽ bị phai màu, vì thời đấy quần áo, vải vóc không được tốt như bây giờ, giặt toàn bị loang màu thôi.Trẻ con mà,  đứa nào chẳng thế, mà lại là trẻ vùng quê nghèo lâu lắm mới được mua áo mới nên như vậy đấy. Dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên xong khâu cuối cùng là khâu mà cả người lớn, trẻ con đều hào hứng mong chờ nhất. Đó là khâu gói bánh chưng và canh nồi bánh. Vì đây  là một phong tục tập quán xưa nay của người dân Việt và cũg không ngoại lệ đối với vùng quê thiếu ánh đèn đện như quê tôi. Thường thì 28,29 Tết nhà nhà trước sân đều có nồi bánh chưng. Cái đêm ngồi canh nồi bánh chưng là đêm vui nhất của mùa Tết năm ấy. Vì đa số một gia đình sẽ làm một nồi bánh rất to, mà thường sẽ tụ tập nhóm bếp và luộc ở nhà ông bà hoặc con trưởng. Khi đó ông bà, anh em, vợ chồng con cháu sẽ ngồi tụ tập bên bếp lửa thêm ấm trà nóng và một cái điếu cày các ông các chú truyền tay nhau rít từng hơi khói cay mà trò chuyện suốt đêm lạnh. Con nít như tôi chỉ thưởng thức vài câu chuyện là lăn ra ngủ rồi, sáng dậy thì đã có cả mâm bánh chưng thơm phức. Đêm giao thừa, không pháo hoa nở rộ sáng rực trên bầu trời như ở trên thành phố nhưng ờ làng tôi sáng rực nhờ ánh đèn, ánh lửa và hương khói nghi ngút ở những góc chùa và đình làng. Ở đình làng tổ chức hát quan họ, múa, hát giao duyên của các liền anh liền chị giao lưu suốt cả đêm.

     Sáu tuổi , tôi đã có thể thức đón giao thừa với ông bà. Sau khi bày mâm cơm cúng đầu xuân dâng lên mời tổ tiên, thì đây cũng là thời điểm con cháu đến chúc Tết ông bà, bố mẹ của mình. Tôi cũng thế, từ đầu tối tôi cũng phải tự chuẩn bị trong đầu mình những câu chúc tốt đẹp nhất đến ông bà của mình. Rồi lần lượt gia đình các chú và các em tới chúc tết -mừng tuổi ông bà và cả nhà quân quần bên mâm cơm đầu xuân. Trong không khí tươi vui, ấm áp tình cảm gia đình, ông chợt nhắc tới bố mẹ và gia đình tôi, bất chợt tôi thấy mình còn thiếu thiếu cái gì đó. Tết đó bố mẹ và các chị không về được, đối với ông bà và gia đình tôi Tết đó vẫn chưa được trọn vẹn. Ông an ủi “ năm sau chúng nó sẽ về cả nhà, gia đình mình năm sau đông đủ  sẽ vui hơn”….

     Sau hơn 20 năm tôi vào Sài Gòn sống cùng bố mẹ, do công việc, học hành và điều kiện kinh tế chưa Tết nào cả nhà tôi có một chuyến về ăn Tết quê cùng ông bà và đại gia đình. Nên có lẽ trong lòng ông bà và người thân hơn 20 năm qua chưa có được cái Tết trọn vẹn cả. 20 năm trôi qua tôi đã nếm trải qua cảm giác tết chờ đợi người thân và cũng thường xuyên chịu cảm giác mong ngóng Tết được trở về quê hương cùng gia đình. Nên tôi hiểu được dù là người chờ đợi hay người được chờ đợi đó cũng là một niềm hạnh phúc vì bên ta ở một nơi xa lắm còn có người thương nhớ, mong ta quay trở về. Nhất là quê hương nơi ta sinh ra, nơi đó có tình thân gia đình. Bời thế, mỗi lần bước chân lên thành phố rời làng quê mình trong đầu tôi luôn lẩm nhẩm câu hát quan họ thân thương mà da diết của quê mình rằng :” Người ơi ngươi ở đừng về…”…Mong tết này những ai sống xa quê sẽ có dịp được trở về và quay quần bên người thân và gia đình mình. Để hường một mùa xuân thật trọn vẹn. Vì quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi.

Thu Hiền -TPTS

Back to top
func