Tin tức

BIBICA - Khẳng định giá trị thị trường Thương hiệu Việt

ĐÁP TRẢ CỦA BIBICA TRƯỚC CÚ RA  ĐÒN “QUÁ NHANH – QUÁ NGUY HIỂM “ CỦA MONDELEZ KINH ĐÔ
Cuộc chiến giữa các Doanh nghiệp (DN) là cuộc chiến thương trường chưa bao giờ “hết nóng”, tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà các DN tung ra các chiêu trò khác nhau nhằm hạ bệ và gây sức ép đối với đối thủ. Công ty Cổ Phần Bibica là một trong những nạn nhân chịu cú ra đòn “quá nhanh – quá nguy hiểm” từ đối thủ trong cuộc chiến khẳng định giá trị thương hiệu Việt.
Cuộc kiểm tra bất ngờ và “quá nhanh”
Sáng ngày 26/9/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (thuộc Cục QLTT Thành phố Hà Nội) bất ngờ vào siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) kiểm tra một vòng các quầy bán bánh trung thu. Họ yêu cầu quản lý siêu thị lấy 10 mã hàng bánh lẻ để kiểm tra. Sau đó ít lâu, Đội QLTT số 17 đã quay lại và thu toàn bộ bánh của quầy Bibica để niêm phong. Lý do họ đưa ra là "Liên quan đến các sản phẩm bánh trung thu có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và hình" đang được bảo hộ theo GCN ĐKNH Số 264070 của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam.
Đội QLTT số 17 cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô, do chữ “Phúc” trên bánh của Bibica giống với chữ  “Thu” trên bánh của Mondelez Kinh Đô.


Bibica và cú phản đòn trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh và “quá nguy hiểm”
Ông Trương Phú Chiến – Chủ tịch Công ty Cổ Phẩn Bibica khẳng định không hề xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô.
Chữ “Phúc” trên bao bì sản phẩm Bibica đã được cấp đăng ký sở hữu ngày 23/9/2015. Theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 251654, chữ “Phúc” trên bao bì bánh trung thu Bibica được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp ngày 23/9/2015). Giấy này có giá trị đến 10 năm tính từ ngày cấp và có thể gia hạn. Ngoài ra, Nhãn hiệu "Thu và hình" của Mondelez Kinh Đô được chứng nhận vào năm 2016, sau Bibica. Từ đó, Bibica cho rằng trong vụ việc này Bibica đã bị đối thủ chơi xấu, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và uy tín của Bibica.
Đến chiều muộn ngày 28/9/2020, sau khi làm việc với Đội QLTT số 17 và cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết (giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả với thiết kế chữ Phúc và hình liên quan), Bibica đã được giải tỏa hàng hóa. Đồng thời, quầy hàng bánh trung thu tại siêu thị BigC Thăng Long cũng mở bán trở lại bình thường, nhưng đã gây tổn thất về mặt uy tín thương hiệu Bibica.


Đối thủ ra đòn “Quá nhanh – Quá nguy hiểm”                            
Ông Trương Phú Chiến cho rằng: “Việc cạnh tranh không lành mạnh của Mondelez Kinh Đô là một cú ra đòn quá nhanh và quá nguy hiểm ngay tại “thắt lưng” với mục đích làm cho Bibica bất động”.
Đồng nhất với quan điểm này, bộ phận pháp chế Bibica đã đưa ra những phân tích và nhận định dựa trên cơ sở pháp lý của luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) như sau:
Tại Điều 198. Quyền tự bảo vệ:
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Kết luận vấn đề này, Bibica khẳng định việc làm của Mondelez Kinh Đô là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh “quá nhanh – quá nguy hiểm” và có chủ đích:

  1. Về thời gian giám định: Mondelez Kinh Đô gửi hồ sơ ngày 10/09/2020, đến ngày 15/09/2020 có kết quả (thông thường là 22 ngày). Rõ ràng đã có chủ đích từ trước nên đã sử dụng dịch vụ giám định nhanh nhất của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ.

  2. Ngay khi có kết quả giám định, Mondelez Kinh Đô đã không tuân thủ theo trình tự quy định tại Điều 198 (Quyền tự bảo vệ), không gửi yêu cầu xử lý vụ việc qua Bibica mà “đốt cháy quy trình” thông qua cơ quan chức năng can thiệp “quá nhanh” và tạo ra sự “nguy hiểm” đối với Bibica đúng vào dịp cận kề Trung thu, đặc biệt là ngày cuối tuần (ngày 26/9/2020 nhằm ngày 10/8 AL). Ngay tại thời điểm sức mua bánh trung thu của Người tiêu dùng (NTD) đang đạt đỉnh điểm và cú ra đòn vào ngày cuối tuần làm cho Bibica bất động vì các cơ quan chuyên trách không thể xử lý vụ việc, Bibica đành phải ngậm ngùi nhìn sản phẩm không thể đến được với NTD và  mất doanh thu vào 2 ngày cuối tuần, một con số không hề nhỏ.

Bibica khẳng định giá trị thương hiệu Việt
Theo ông Chiến, sau vụ việc này, thiệt hại về vật chất thì ít, nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thương hiệu của Bibica. "Diễn biến sắp tới ra sao còn tùy vào động thái của người đứng đơn tố cáo, Bibica sẽ có phương án phản đòn phù hợp trước sự bành trướng, lớn mạnh và đầy chiêu trò của các thương hiệu ngoại”. Đồng thời Ông cũng khẳng định: “Sẽ quyết tâm bảo vệ giá trị thương hiệu Việt, để trên bàn thờ tổ tiên và thế hệ con cháu sau này còn có một sản phẩm mang tên “người Việt”.
Bibica một lần nữa khẳng định “mình” không phải là dạng vừa, Công ty đang có hệ thống phân phối phủ khắp cả nước với 140 nhà phân phối, 120.000 điểm bán lẻ, 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Trên thị trường bánh kẹo, Bibica đứng thứ 2 với khoảng 8% thị phần. Riêng trong mảng bánh trung thu, Bibica chiếm đến 20% thị phần.


 

Back to top
func